Mang thai là một hành trình tuyệt vời nhưng cũng đầy lo lắng, đặc biệt là với căn bệnh đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK). Cùng khám phá thông tin quan trọng về bệnh này và cách chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé nhé!
1. Đái tháo đường thai kỳ là gì
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu tăng cao ở phụ nữ mang thai. Bệnh thường được chẩn đoán khi thai kỳ đạt 24-28 tuần tuổi và không có bằng chứng về bệnh tiểu đường trước đó. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ĐTĐTK có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé. Khám thai định kỳ và kiểm tra đường huyết thường xuyên là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe trong suốt thai kỳ.
2. Tại sao phụ nữ mang thai dễ mắc ĐTĐ thai kỳ
Khi mang thai, cơ thể phải đối mặt với sự thay đổi hormone lớn. Bánh nhau, cơ quan cung cấp oxy và dưỡng chất cho thai nhi, sản xuất ra các hormone có thể làm tăng lượng đường trong máu. Tuyến tụy cần tiết ra đủ insulin để điều hòa lượng đường huyết. Nếu tuyến tụy không thể đáp ứng hoặc cơ thể mẹ bầu có sự đề kháng với insulin, lượng đường trong máu sẽ tăng lên, gây ra ĐTĐTK.
Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Thừa cân hoặc béo phì trước khi mang thai
- Tăng cân nhanh chóng trong thai kỳ
- Tiền sử gia đình có bệnh tiểu đường tuýp 2
- Tiền tiểu đường (glucose huyết cao nhưng chưa đủ chẩn đoán ĐTĐ)
- Tiền sử mắc ĐTĐTK ở các lần mang thai trước
- Bệnh mạn tính như tăng huyết áp hoặc cholesterol cao
- Tuổi trên 35
- Sinh con nặng hơn 4kg
- Thai lưu, sinh non hoặc dị tật bẩm sinh
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Những dấu hiệu của đái tháo đường thai kỳ:
Nhiều mẹ bầu không có triệu chứng rõ ràng và bệnh thường được phát hiện qua xét nghiệm trong các buổi khám thai định kỳ. Tuy nhiên, nếu có những dấu hiệu sau, bạn nên liên hệ với bác sĩ ngay:
- Thường xuyên khát nước
- Đi tiểu nhiều lần
- Thèm ăn nhiều hơn bình thường
- Ngứa vùng kín hoặc dễ bị nhiễm nấm
- Vết thương và vết trầy xước chậm lành
- Mệt mỏi, thiếu sức sống
3. Tác động của ĐTĐ thai kỳ đối với mẹ và thai nhi
ĐTĐ thai kỳ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến mẹ bầu như: Tăng huyết áp thai kỳ, sinh non, đa ối, sẩy thai hoặc thai lưu, nhiễm khuẩn tiết niệu và viêm đài bể thận, tăng nguy cơ mổ lấy thai, nguy cơ cao bị ĐTĐ tuýp 2 sau 5-10 năm và trong các thai kỳ sau
Những ảnh hưởng đến thai nhi và trẻ sơ sinh:
- Thai không phát triển, sảy thai tự nhiên hoặc dị tật bẩm sinh
- Thai to, có thể dẫn đến khó sinh
- Tử vong ngay sau sinh
- Hạ glucose huyết, bệnh lý chuyển hóa, hội chứng nguy kịch hô hấp
- Dị tật bẩm sinh như vô sọ, nứt đốt sống, và các bệnh lý khác
4. Xét nghiệm sàng lọc ĐTĐ thai kỳ
Để phát hiện ĐTĐTK, mẹ bầu cần thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose đường uống 75g trong 2 giờ từ tuần 24-28 của thai kỳ. Các bước chuẩn bị trước khi xét nghiệm bao gồm:
- Không ăn kiêng hoặc bổ sung quá nhiều carbohydrate 3 ngày trước khi xét nghiệm
- Nhịn đói 8-12 giờ trước khi xét nghiệm
- Uống 75 gram glucose trong vòng 5 phút
- Xét nghiệm đường huyết lúc đói, 1 giờ và 2 giờ sau khi uống glucose
5.Điều trị và kiểm soát ĐTĐ thai kỳ
Cách điều trị và kiểm soát ĐTĐ thai kỳ không hề khó nếu bạn chịu khó áp dụng theo những hướng dẫn sau:
Chế độ ăn uống: Chỉ ăn những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, sử dụng ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh và giảm thực phẩm giàu đường và chất béo, chia nhỏ bữa ăn trong ngày để kiểm soát đường huyết
Vận động: Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ hoặc đạp xe để kiểm soát đường huyết
Thuốc: Nếu thay đổi lối sống không đủ hiệu quả, có thể cần dùng thuốc hoặc tiêm insulin
Theo dõi: Theo dõi đường huyết thường xuyên và tái khám theo lịch hẹn
Lưu ý khi sinh: Sau khi sinh, mẹ bầu nên kiểm tra đường huyết sau 4-12 tuần để tầm soát ĐTĐ. Nếu đường huyết bình thường, cần kiểm tra ít nhất một lần mỗi năm để phát hiện sớm bệnh.
6. Phòng ngừa ĐTĐ thai kỳ
Trước khi mang thai, hãy điều chỉnh lối sống để giảm nguy cơ mắc ĐTĐTK:
- Giữ cân nặng hợp lý và giảm cân nếu cần
- Tập thể dục thường xuyên
- Có chế độ ăn uống lành mạnh và đi khám sức khỏe định kỳ
Đái tháo đường thai kỳ là một thử thách lớn nhưng có thể quản lý hiệu quả với kiến thức và chăm sóc đúng cách. Hãy chia sẻ thông tin này để giúp cộng đồng nâng cao nhận thức và chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Chúc mẹ và bé yêu sức khỏe và hạnh phúc!