Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch có tỷ lệ người mắc tương đối cao và có xu hướng ngày càng tăng, bệnh có diễn biến âm thầm nhưng dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy việc trang bị những hiểu biết về triệu chứng bệnh tăng huyết áp là rất cần thiết. Dưới đây là tổng hợp những thông tin tổng quan về căn bệnh sẽ giúp bạn có những kiến thức cơ bản giúp phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh để kịp thời thăm khám và điều trị.
1, Hiểu thế nào là tăng huyết áp?
+ Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch. Huyết áp được tính bằng đơn vị mmHg và được xác định bằng cách đo huyết áp. Huyết áp có hai chỉ số:
- Huyết áp tâm thu thể hiện ở chỉ số trên, là huyết áp khi tim co bóp
- Huyết áp tâm trương thể hiện ở chỉ số dưới, là huyết áp khi tim bạn được thư giãn
Ví dụ: Huyết áp 120/80mmHg: 120 là huyết áp tâm thu, 80 là huyết áp tâm trương. Vì vậy khi bác sĩ hoặc y tá cho bạn biết huyết áp của bạn, thì họ sẽ nói 2 con số.
+ Tăng huyết áp, hay còn gọi là cao huyết áp, xảy ra khi áp lực máu lên thành mạch cao hơn bình thường, với chỉ số đo được bằng hoặc vượt mức 140/90 mmHg sau khi đo lập đi lập lại nhiều lần và đúng cách.
+ Phân độ tăng HA
Để biết bệnh tăng HA nặng hay nhẹ, khi nào cần điều trị và khi nào cần điều trị tích cực cần dựa vào phân độ THA:
Loại | Huyết áp tâm thu (mmHg) | Huyết áp tâm trương (mmHg) |
HA tối ưu | <120 | < 80 |
Bình thường | 120-129 | 80-84 |
Tiền tăng HA | 130-139 | 85-89 |
Tăng HA | ||
Độ 1 | 140-159 | 90-99 |
Độ 2 | 160-179 | 100-109 |
Độ 3 | >= 180 | >= 110 |
- Nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp là gì?
Đa phần bệnh thường gặp ở người lớn tuổi không có nguyên nhân (tăng huyết áp vô căn hay nguyên phát); khoảng 10% tình trạng có nguyên nhân, còn gọi là tăng huyết áp thứ phát.
Tăng huyết áp nguyên phát (vô căn): Chiếm khoảng 90% trường hợp tăng huyết áp.
Thường không xác định được nguyên nhân cụ thể. Bệnh có tính gia đình, nhiều người trong gia đình cùng mắc tình trạng này, đặc biệt khi lớn tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, một số yếu tố khác tăng nguy cơ mắc bệnh có thể kể đến như:
- Chế độ ăn uống nhiều muối, thiếu kali.
- Thừa cân, béo phì.
- Ít vận động.
- Hút thuốc lá.
- Uống nhiều rượu bia.
- Căng thẳng, stress.
Tăng huyết áp thứ phát: Chiếm khoảng 10% trường hợp tăng huyết áp.
Khi xác định có một nguyên nhân trực tiếp thì gọi là tăng huyết áp thứ phát. Nếu điều trị theo đúng nguyên nhân thì bệnh có thể chữa khỏi. Các nguyên nhân phổ biến là:
- Bệnh lý về thận: Viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận mãn tính, hẹp động mạch thận,…
- Bệnh lý tuyến thượng thận: U tuyến thượng thận.
- Rối loạn nội tiết: Cường giáp, suy giáp, bệnh Cushing,…
- Sử dụng một số loại thuốc: Corticoides, thuốc kháng viêm, giảm đau, hormone thay thế, thuốc tránh thai,…
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ.
- Hẹp eo động mạch chủ: Gặp ở trẻ em và người trẻ.
3.Dấu hiệu của bệnh tăng huyết áp:
Một số triệu chứng có thể xuất hiện như:
- Đau đầu: Đặc biệt là ở vùng sau gáy.
- Chóng mặt và mệt mỏi: Cảm giác choáng váng và kiệt sức.
- Khó thở: Cảm thấy khó khăn khi hít thở sâu.
- Đau ngực: Cảm giác căng thẳng hoặc đau nhói ở ngực.
- Mờ mắt: Rối loạn thị lực do áp lực máu cao.
Tuy nhiên, có khoảng 1/3 trường hợp người bệnh không có dấu hiệu gì khiến bệnh tiến triển thầm lặng, chỉ phát hiện bệnh khi đo huyết áp tình cờ hay khám sức khỏe tổng quát hoặc khi đã có biến chứng như: nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay suy thận mạn giai đoạn cuối.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người lớn từ 50 tuổi trở lên cần khám tổng quát và kiểm tra huyết áp định kỳ vì huyết áp có xu hướng tăng dần theo tuổi.
Tăng huyết áp cấp cứu xảy ra khi huyết áp đo được ≥ 180/120 mmHg kèm có kèm một trong các dấu hiệu sau như co giật, lừ đừ, nhìn mờ, nôn ói, hôn mê, khó thở, đau tức ngực dữ dội, khi đó thì người bệnh cần đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời.
- Tăng huyết áp có nguy hiểm không?
Mặc dù thường không gây ra triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, tăng huyết áp lại là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra các bệnh lý nghiêm trọng như:
- Biến chứng ở tim: nhồi máu cơ tim, suy tim, suy tim mất bù, rung nhĩ,…
- Biến chứng ở não: nhồi máu não, xuất huyết não, suy giảm trí nhớ,..
- Biến chứng ở thận: suy thận ở nhiều mức độ khác nhau, nặng nhất là diễn tiến đến suy thận mạn giai đoạn cuối phải điều trị thay thế thận (ghép thận hoặc chạy thận định kỳ)
- Biến đổi mạch máu ở đáy mắt do huyết áp cao, có thể gây xuất huyết, phù nề mạch máu võng mạc, nghiêm trọng hơn là gây mù
- Bệnh động mạch ngoại biên hai chân: do xơ vữa mạch máu gây hẹp hoặc tắc mạch máu nhỏ ở hai chân, gây đau chân khi đi lại, nặng hơn là loét, hoại tử phải cắt chi gây tàn phế
- Rối loạn cương dương: thường gặp, đặc biệt nếu có kèm đái tháo đường, hút thuốc lá.
- Làm sao để kiểm soát bệnh tăng huyết áp?
Để điều trị và kiểm soát tốt bệnh tăng huyết áp cần phải phối hợp giữa điều chỉnh lối sống và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
5.1.Thay đổi cách sinh hoạt: Cho dù người bệnh có sử dụng thuốc gì hay không thì cũng cần có cách sống khoa học:
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: Giảm lượng muối ăn vào hàng ngày, không ăn quá 1 muỗng cà phê muối ( < 6g NaCl) mỗi ngày, bao gồm cả lượng muối được nêm trong thức ăn và nước chấm ;hạn chế chất béo, tăng cường rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt.. Bổ sung kali từ chuối, khoai lang, rau bina,… Hạn chế thức ăn nhanh, đồ hộp, thực phẩm chế biến sẵn.
- Vận động thể lực: tham gia vào các hoạt động thể lực vừa sức như đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày và mọi ngày trong tuần.
- Hạn chế hay uống rượu bia vừa phải : uống ít hơn 80ml rượu mạnh, 600ml bia và 250ml rượu vang trong 1 ngày.
- Bỏ thuốc lá.
- Quản lí căng thẳng: Duy trì tinh thần thoải mái, lạc quan. Áp dụng các biện pháp giải tỏa căng thẳng như yoga, thiền,…
Kiểm soát cân nặng : Giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì. Duy trì cân nặng lí tưởng bằng chế độ ăn uống và tập luyện hợp lí.